Tăng cường bảo vệ an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng trong tình hình mới

Trong xu thế công nghệ số toàn cầu, Internet trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống của toàn nhân loại. Trước sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng cũng như những tác động tiêu cực của nó, không ít nguy cơ mất an toàn về an ninh mạng đã xảy ra, trong đó an toàn thông tin là một trong những vấn đề quan trọng đáng lưu tâm.

Tăng cường bảo vệ an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay

Thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển và tồn vong của một quốc gia, đặc biệt là những thông tin thuộc hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Theo Luật An ninh mạng, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh mạng. Với tiêu chí như trên, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được xác định trong các lĩnh vực quan trọng đặc biệt đối với quốc gia như quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu; trong lĩnh vực đặc thù như lưu trữ, xử lý thông tin thuộc bí mật nhà nước; phục vụ hoạt động của các công trình quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia hoặc những hệ thống thông tin quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí. Với môi trường mạng rộng lớn và khó kiểm soát, việc truyền-nhận thông tin, đặc biệt là thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là vấn đề tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bị xâm phạm thông tin nếu mất cảnh giác.

Theo đánh giá, hiện Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với gần 60 triệu người dùng Internet (chiếm hơn 62% dân số), đồng thời cũng đang nỗ lực đặt mục tiêu thành quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á triển khai xây dựng thành phố thông minhđể tạo môi trường sống lớn hơn, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội bền vững.Theo lãnh đạo Cục An ninh mạng-Bộ Công an, năm 2017, Việt Nam hứng chịu hàng loạt các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, cường độ cao nhắm vào các lĩnh vực trọng yếu, các công trình quan trọng của quốc gia. Bên cạnh đó, tình hình mất an ninh, an toàn thông tin, lộ lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ở Việt Nam rất báo động và là vấn đề “nóng” được quan tâm hàng đầu. Cụ thể từ năm 2001 đến nay, các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã phát hiện 844 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước. Chỉ riêng từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6 năm 2017, cơ quan chức năng Bộ Công an đã phát hiện và xử lý trên 100 vụ lộ, lọt bí mật nhà nướctrên không gian mạng.Không những vậy, lãnh đạo Cục An ninh mạng cũng cảnh báo “…thực tế có thể còn vượt xa con số đã phát hiện do tính chất nặc danh, khó phát hiện của môi trường mạng dẫn tới những hậu quả khôn lường. Thông tin cá nhân, dữ liệu về tài khoản của người sử dụng mạng không được bảo vệ và bị lạm dụng vào mục đích thương mại, chính trị, thể hiện rõ nhất là vụ 50 triệu tài khoản của facebook đã bị chia sẻ  trái phép cho Công ty Cambridge Anlytica để sử dụng vì mục đích thương mại và chính trị, dẫn đến Mỹ và Liên minh châu Âu phải mở cuộc điều tra khẩn”.

Hiện nay, vấn đề an ninh thông tin trên không gian mạng đang là chủ đề quan tâm của toàn cầu với những mối đe dọa ngày càng đa dạng, tinh vi về thủ đoạn. Trong khi đó, hệ thống mạng thông tin Việt Nam phát triển nhanh nhưng hạ tầng cơ sở không theo kịp, không đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh thông tin mạng. Nhiều thách thức mới đặt ra mà hệ thống mạng thông tin Việt Nam đang phải đối mặt, đó là:

– Nguy cơ gây rối loạn, mất kiểm soát hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng an ninh.

– Nguy cơ bị tấn công, chiếm đoạt, đánh cắp tài liệu, bí mật nhà nước từ hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng máy tính nội bộ.

– Nguy cơ bị đình trệ, tê liệt hoạt động của hệ thống cổng thông tin điện tử, trang thông tin của các cơ quan Đảng, nhà nước.

– Tấn công mạng kéo theo nguy cơ gây rối loạn các giao dịch tài chính, hoạt động vận hành, điều khiển hàng không, điện lưới quốc gia, hệ thống giao thông đường bộ, xử lý hóa chất phục vụ cung cấp nước sinh hoạt, y tế…

– Nguy cơ hệ thống điều khiển tự động hóa (SCADA) của các nhà máy lọc dầu, thủy điện, nhiệt điện, đường ống xăng dầu, khí đốt… bị tê liệt, rối loạn, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cháy nổ.

-Nguy cơ hệ thống thông tin phục vụ phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản của nhà nước bị kiểm soát, vô hiệu hóa.

– Nguy cơ bị kiểm soát, chiếm đoạt, phá hủy hệ thống thông tin phục vụ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, dân cư, xuất nhập cảnh.

– Nguy cơ tấn công mạng nhằm vào hạ tầng truyền dẫn vật lý khiến kết nối Internet của Việt Nam với quốc tế bị gián đoạn hoặc ngừng.

Trước tình hình đó, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và các biện pháp đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông, gắn liền với công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, sẵn sàng đối phó với các cuộc chiến tranh trên không gian mạng. Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng được quán triệt, triển khai giúp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những thông tin có nội dung xấu, độc hại gây tổn hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước, chế độ, ảnh hưởng xấu đến tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Chủ động phòng ngừa, hạn chế những sơ hở, thiếu sót, không để các thế lực thù địch và các loại đối tượng lợi dụng xâm nhập hệ thống thông tin, thu thập, chiếm đoạt bí mật nhà nước, thông tin nội bộ gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của cơ quan, tổ chức và công dân. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã chỉ rõ phải “Gắn kết chặt chẽ việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phải đi đôi với bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia”, đặc biệt cần “phát huy vai trò các lực lượng chuyên trách bảo vệ an toàn, an ninh thông tin và bí mật nhà nước; thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng công an, quân đội, ngoại giao, cơ yếu, thông tin và truyền thông” để có các biện pháp về tổ chức và kỹ thuật, sẵn sàng đối phó với các cuộc chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, bảo đảm chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Gần đây nhất, sự ra đời của Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quảcông tác phòng ngừa, sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tựan toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong đó, bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật này, quy định đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin, trong đó nêu ra tiêu chí xác định lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như thẩm định an ninh mạng, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.Cùng với đó, hàng loạt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về chiến lược an ninh mạng quốc gia, bảo vệ an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng cũng được ban hành nhằm tập trung giải quyết vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là bảo mật thông tin trên không gian mạng với quan điểm chỉ đạo thống nhất là “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực phải gắn với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, theo đánh giá xếp loại mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước năm 2017, về an toàn thông tin, hầu hết các cơ quan, đơn vị đã chú trọng công tác đảm bảo an toàn thông tin, ban hành quy chế và trang bị biện pháp đảm bảo an toàn thông tin như: Hệ thống tường lửa, lọc thư rác, hệ thống phát hiện và phòng chống truy nhập trái phép, hệ thống sao lưu dữ liệu như băng từ, tủ đĩa… Tuy nhiên, tại một số đơn vị, công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng còn hạn chế và mới chỉ dừng lại ở mức độ trang bị phần mềm diệt virus cho các máy tính làm việc dẫn tới nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin mạng. Thực tế đã xảy ra hoạt động tấn công, đánh sập hệ thống mạng nội bộ của cơ quan nhà nước với thủ đoạn khá tinh vi, xảo quyệt. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng tại một số cơ quan, ban, ngành chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Trước tình hình vấn đề bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng đang là nhiệm vụ cấp bách, ngày 19/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh; trong đó quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm: “…Soạn thảo, lưu giữ thông tin, tài liệu mang nội dung bí mật nhà nước trên máy tính có kết nối mạng Internet và những mạng khác có khả năng làm lộ, mất thông tin, tài liệu; kết nối thiết bị thu phát wifi hoặc các thiết bị có chức năng kết nối Internet vào máy tính dùng để soạn thảo, lưu giữ thông tin, tài liệu mang nội dung bí mật nhà nước; kết nối mạng máy vi tính nội bộ vào mạng Internet; kết nối các thiết bị có chức năng lưu giữ thông tin, tài liệu mang nội dung bí mật nhà nước với máy tính có kết nối mạng Internet”.Để siết chặt quản lý đối với công tác bảo mật thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước, bên cạnh việc xây dựng dự thảo Quy chế thực hiện, tỉnh Kon Tum đã phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2018. Qua kiểm tra, nhiều sai phạm đã được chỉ rõ, đồng thời chấn chỉnh, nhắc nhở và hướng dẫn các đơn vị có phương hướng khắc phục.

An ninh thông tin trên không gian mạng gắn liền với chủ quyền quốc gia, sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước và chế độ xã hội. Chính vì vậy, với những nhóm nguy cơ đặt ra và những thách thức đã và đang đối mặt đặt ra yêu cầu cấp bách phải tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Hơn ai hết, mỗi cá nhân cần ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ an toàn thông tin, nắm vững và chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng của cơ quan, đơn vị mình. Lực lượng chức năng cần siết chặt công tác quản lý, thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng, đồng thời làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh hoạt động tấn công, đánh cắp thông tin trên không gian mạng, không để đối tượng xấu có cơ hội hoạt động gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *