Các quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử ?

Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử.

Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.

Vậy, Nhà nước quy định như thế nào về an ninh, an tòan, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử ?

BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN TRONG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

Căn cứ theo Điều 44 của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (gọi tắt là Luật Giao dịch điện tử năm 2005), Luật quy định về việc bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch điện tử như sau:

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn phù hợp với quy định của pháp luật khi tiến hành giao dịch điện tử.

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành giao dịch điện tử có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm sự hoạt động thông suốt của hệ thống thông tin thuộc quyền kiểm soát của mình; trường hợp gây ra lỗi kỹ thuật của hệ thống thông tin làm thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm cản trở hoặc gây phương hại đến việc bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch điện tử.

BẢO VỆ THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU

Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

Căn cứ theo Điều 45 của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (gọi tắt là Luật Giao dịch điện tử năm 2005), Luật quy định Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được thực hiện bất kỳ hành vi nào gây phương hại đến sự toàn vẹn của thông điệp dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

BẢO MẬT THÔNG TIN TRONG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

Căn cứ theo Điều 46 của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (gọi tắt là Luật Giao dịch điện tử năm 2005), Luật quy định về việc bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử như sau:

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật khi tiến hành giao dịch điện tử.

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC CUNG CẤP DỊCH VỤ MẠNG

Căn cứ theo Điều 47 của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (gọi tắt là Luật Giao dịch điện tử năm 2005), Luật quy định trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng bao gồm:

+ Tổ chức cung cấp dịch vụ mạng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng quy chế quản lý và các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn việc sử dụng dịch vụ mạng nhằm phát tán các thông điệp dữ liệu có nội dung không phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức của dân tộc, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật.

+ Tổ chức cung cấp dịch vụ mạng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không kịp thời loại bỏ những thông điệp dữ liệu có nội dung không phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức của dân tộc, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật khi tổ chức cung cấp dịch vụ mạng đó đã nhận được thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHI CÓ YÊU CẦU CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN

Căn cứ theo Điều 48 của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (gọi tắt là Luật Giao dịch điện tử năm 2005), Luật quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như sau:

1. Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân có các trách nhiệm sau đây:

a) Lưu giữ một thông điệp dữ liệu nhất định, bao gồm cả việc di chuyển dữ liệu đến một hệ thống máy tính khác hoặc nơi lưu giữ khác;

b) Duy trì tính toàn vẹn của một thông điệp dữ liệu nhất định;

c) Xuất trình hoặc cung cấp một thông điệp dữ liệu nhất định bao gồm cả mật mã và các phương thức mã hóa khác mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có hoặc đang kiểm soát;

d) Xuất trình hoặc cung cấp thông tin về người sử dụng dịch vụ trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu là người cung cấp dịch vụ có quyền kiểm soát thông tin đó;

đ) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình.

QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN

Căn cứ theo Điều 49 của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (gọi tắt là Luật Giao dịch điện tử năm 2005), Luật quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như sau:

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có các quyền sau đây:

a) Tìm kiếm hoặc thực hiện các hình thức truy cập đối với một phần hoặc toàn bộ hệ thống máy tính và các thông điệp dữ liệu trong hệ thống đó;

b) Thu giữ toàn bộ hoặc một phần hệ thống máy tính;

c) Sao chép và lưu giữ bản sao của một thông điệp dữ liệu;

d) Ngăn cản việc truy cập vào một hệ thống máy tính;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Khi thực hiện các quyền trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày các quy định về an ninh, an tòan, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *